..::Trang chủ::..
Đây không phải là một hiện tượng kỳ dị và lịch sử cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tương tự.

Ngay sau khi đăng tải bài báo 'xôn xao dư luận về bộ hài cốt 200 năm vẫn rỉ máu', chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm tiềm năng con người, Liên hiệp các Hội KH&KT VN để tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng lạ cả dưới góc độ tâm linh và khoa học.


Xôn xao dư luận về bộ hài cốt 200 năm vẫn rỉ máu





Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm tiềm năng con người

Theo ông Hải, hiện tượng hài cốt chôn được gần 200 năm vẫn rỉ máu không phải là chuyện quá kỳ dị như người thường vẫn nghĩ. Và lịch sử đã từng ghi nhận những trường hợp tương tự như vậy. Ví dụ, thời vua Lê Chiêu Tông sang Trung Quốc, vua Càn Long coi khinh chỉ tiếp Quang Trung mà bỏ rơi Lê Chiêu Tông nên ông này uất hận đến chết. Sau này cải mả, mặc dù xương cốt của Lê Chiêu Tông đều tan rã hết nhưng trái tim thì vẫn còn máu tươi nguyên. Điều này đã được chính sử ghi chép cẩn thận.

Hoặc như vụ nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo cũng cho thấy, xương thịt ông cháy thành tro nhưng trái tim thì vẫn còn nguyên.

Một ví dụ dễ nhận thấy nhất là trường hợp thoát xác của hai nhà sư ở Chùa Đậu. Hai vị sư này chết rồi nhưng cả xương cốt và trái tim vẫn còn nguyên dù trải qua hằng trăm năm nay. Các nhà khảo cổ đã chứng minh được điều này bằng việc chiếu X- quang. Đó là những câu chuyện lịch sử có thật.

Còn truyền thuyết cũng có kể về câu chuyện chàng Trương Chi, vì bị cô gái con quan từ chối do hình hài quá xấu, nên khi chết, trái tim chàng biến thành khối ngọc. Khối ngọc này sau được đúc thành chiếc cốc, mà mỗi lần cô gái rót nước, đều hiện hình một chiếc thuyền, chỉ có giọt nước mắt nàng nhỏ xuống, hình ảnh đó mới mất đi.

Như vậy, cả nhân chứng lịch sử và truyền thuyết đều ghi nhận hiện tượng xác thịt còn nguyên khi đã chết.

Theo ông Hải, tất cả những trường hợp chết như trên đều có một đặc điểm chung: đó là chết trong sự uất ức. Trường hợp bộ hài cốt không đầu của giáo dân tên Phêrô Đỗ Tựu ở xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định) mà báo đã đưa thì cũng là bị xử trảm, chết trái với tự nhiên. Một khi con người chết trong sự uất ức, thậm chí là quá uất ức, thì cơ thể họ phát sinh ra luồng từ trường. Dòng từ trường này bao bọc cơ thể nên dẫn đến việc khó tan xương, thịt. Đó cũng chính là nguyên nhân giải thích cho việc vì sao bộ hài cốt đã được chôn cất 200 năm mà máu tươi vẫn còn đọng lại.



"Rất có thể đây là một kiểu ướp xác", PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết


Tiếp tục tìm kiếm một cách giải thích khác, chúng tôi đã gặp và nói chuyện với PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ- người đã tham gia trực tiếp vào cuộc khai quật xác hai nhà sư ở Chùa Đậu. Phó Giáo sư cho biết: Rất có thể, trường hợp hài cốt không đầu giáo dân tên Phêrô Đỗ Tựu ở xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định) là được chôn theo kiểu ướp xác. Đó là dạng chôn 'trong quan ngoài quách'. PGS Cường cho rằng, nếu đúng như vậy, thì ông đã từng gặp những trường hợp, cả thịt, xương còn nguyên máu tươi.

Trên đây là một số cách giải thích dưới góc độ khoa học, tâm linh và cả khảo cổ về hiện tượng bộ hài cốt dính máu. Chúng tôi muốn thông tin đến bạn đọc để giúp bạn đọc có cái nhìn đúng đắn hơn, hiểu rõ bản chất của vấn đề, tránh mê tín dị đoan và không bị ảnh hưởng bởi những lời đồn đại phi căn cứ.



Teya Salat